Chuyện bà nội tôi làm lẽ – Cuộc đời vì con

Chuyện bà nội tôi làm lẽ - Cuộc đời vì con
Chuyện bà nội tôi làm lẽ - Cuộc đời vì con

Bà nội, phận làm lẽ trong một gia đình làm gốm giàu có tiếng ở đất Bát Tràng ngày bấy giờ. Cuộc đời bà là những năm tháng sống trong đắng cay cơ cực cho đến lúc lìa đời.

Chuyện bà tôi làm lẽ…

Bà là chị cả trong một gia đình có ba người con, sau chỉ còn hai vì ông dưới bà năm lên 9 chết do dịch đậu mùa. Nhà khó khăn, bà nghỉ học đến Nam Định làm công cho 1 xưởng dệt, về sau xưởng ấy cháy bà lưu lạc lên đất Bát Tràng làm thuê cho một lò gốm trong làng. Hàng ngày gánh đất làm gốm, gánh gốm vào lò, rồi gánh gốm từ lò xếp xuống thuyền.

Chủ lò gốm là một người thuộc tầng lớp quyền quý trong vùng, có 3 đời vợ. Bà cả sinh được 2 người con, 1 gái 1 trai, đứa con trai bị bại liệt bẩm sinh. Ông lấy thêm bà hai, đẻ đến 4 người con rồi nhưng vẫn toàn là gái. Chưa có người nối dõi cơ nghiệp. Ông cất công lặn lội vào tận Bắc Ninh để cưới bà ba, con gái của một lái buôn làng Đồng Kỵ.

Miêng đời cay nghiệt

Ở với nhau gần 8 năm bà ba cũng không đẻ được một người con nào. Bà nội làm lẽ nhưng không chính thức, chẳng được cưới hỏi đàng hoàng, mang thai bố là do bị cưỡng bức. Ngày biết bà có chửa, để tránh phiền phức ông đã đồn rằng bà ngủ với đám người làm nên chửa hoang, ông đuổi bà ra ngoài đê sống trong bãi dâu tằm. Thỉnh thoảng có việc ông vẫn ghé qua, vẫn cho người lui tới xem bà sống thế nào.

Ở ngoài đê được gần 6 tháng, cái ngày thầy lang bắt mạch cho bà, nói với ông bà mang thai quý tử. Ông tức tốc cho người đón bà về, sửa lại cái chuồng bò cho bà ở đó. Biết bà có chửa với ông, lại còn sắp đẻ cho ông một người lối dõi, bà cả và bà hai rất bực tức nhưng cay nghiệt nhất vẫn là bà ba.

Miệng đời vẫn nói ” cây khô không trái, gái độc không con” trong hoàn cảnh này thì nó đúng với bà ba. Bà ba luôn tìm cách hãm hại bà nội, bắt bà nội làm đủ thứ việc nặng, cấm đám người làm cho bà thức ăn. Ngày nào ông đi vắng là ngày đó bà nội phải nhẫn nhịn, chịu đựng sự hành hạ của 3 bà.

Nhịn nhục vì con

Nhớ có đợt chỉ cách ngày bà sinh bố 2 tuần, bà ra cầu ao giặt cái áo, đang cúi xuống vò thì bà ba từ đằng sau dìm đầu bà xuống, bà cố gắng vùng vẫy nhưng bất thành, sức người mang bầu sao chống nổi sức mạnh của người đàn bà không con đang mang trong mình thù hằn đố kị.

Đến khi thấy bà tím tái không cựa được bà ba mới dừng tay bỏ chạy. Đám người làm thấy vậy mới vớt bà lên vác ngược chạy quanh sân, nước trong miệng ọc ra, bà tỉnh lại, những người làm đưa bà vào nhà gọi thầy lang đến, người hơ lửa, người tức tốc đi sắc thuốc. Bà cao số nên không chết, bình phục dần và đúng như thầy lang bắt mạch, bà sinh con trai chính là bố bây giờ. Không lâu sau ông nội đột ngột qua đời.

Cơ ngơi tài sản không người quản lý. Lò gốm cứ thế mà suy theo, sản nghiệp lụi dần,người làm bỏ hết. Ba bà tranh nhau phân chia tài sản, bán hết ruộng vườn nhà cửa, cả lò gốm ông gây dựng bao nhiêu năm cũng bị bán mất, và tất nhiên bán cả cái chuồng bò mà bà với bố đang ở. Rồi bà nào bà ấy mỗi người một ngả về lại quê nhà. Bà nội cũng chẳng có chỗ nào để về, không còn ai thân thích.

Că cuộc đời vì con cháu
Că cuộc đời vì con cháu

Bố mẹ và em gái đều chết do trúng bom Pháp trong một lần chạy nạn nhưng chưa kịp xuống hầm. Chẳng còn chỗ để ở, thương tình người phụ nữ bế trên tay đứa con còn chưa biết đứng, không nơi nương tựa, một người đàn ông trong làng có nghề đóng gạch đã đưa bà và bố về ở cùng. Họ cất cho bà ngôi nhà tường đất mái rơm rộng chừng 3 gian cho bà và bố ở đó. Suốt gần 20 năm ròng, bà làm việc cho lò gạch ấy để có tiền cho bố ăn học.

Năm 1974 bố đỗ vào khoa Toán trường Đại học Tổng hợp. Học đến đầu năm 2 bố buộc phải dừng lại. Chiều ngày 24 tháng 8 năm 1976, khi bố đang học tiết cuối của buổi chiều thì chú Hải, một người làm cùng với bà ở lò gạch đạp xe đến trường nói với bố phải về nhà ngay, bà đang nguy kịch.

Cơn bão hôm ấy quét qua, làm cái lò gạch mới dựng đổ sụp, bà đang ở trong không chạy kịp, bị cả cái lò hàng nghìn viên gạch đè lên, mọi người mặc áo tơi, xúm vào bốc gạch để đưa bà ra, khiêng vào trong nhà thì bà đã thoi thóp, bố vừa về cũng là lúc bà đi. Cơn mưa hôm ấy to quá, nước dâng trắng đồng. Con sông Hồng đục ngầu sóng đỏ. Mọi người phải đội mưa đưa bà đi chôn ngay trong đêm.

Cái huyệt mới đào lúc chập tối nước tràn đã ngập thủm. Người lấy xẻng be bờ, người che cót, người tát nước ra cho kịp giờ hạ huyệt. Đám tang đưa bà ra đồng vỏn vẹn độ chục người, ai cũng khóc, nấc nghẹn trong thương sót. Còn bố lúc ấy cũng không còn khóc được. Trời vẫn mưa, sấm sét từng hồi ầm vang lóe sáng cả một vùng trời.

Từ ngày cái lò gạch sập. Nhà chủ mất nhiều vốn liếng. Họ cho rằng vong của bà ám khiến làm ăn không thuận lợi. Nên quyết định đốt căn nhà cũ, đuổi bố đi khi vừa cúng xong 49 ngày bà. Bố nghỉ học. Ra sống ở bãi bồi ven sông cùng những người vô gia cư làm nghề chài lưới. Lận đận trên sông 2 năm bố quyết định vào bờ xin đi làm cửu vạn, hằng ngày cứ ngồi ở chân cầu Long Biên, phố Trần Nhật Duật bây giờ cùng những người trung niên khỏe mạnh đứng vẫy, ai thuê gì làm đấy, toàn những việc nặng chân tay.

Hết lòng vì con cái

May mắn, bố được nhận vào làm trong kho của 1 cửa hàng mậu dịch gần bờ Hồ. Bố biết chữ, biết tiếng Pháp lại viết chữ đẹp nên có nhận viết cả đơn khiếu nại, thư từ, mỗi ngày cũng thêm được vài đồng. Sau này chế độ bao cấp xóa bỏ, cũng không còn những cửa hàng mậu dịch. Có ít vốn tích cóp suốt mấy năm, bố mua 1 cái xích lô chuyển sang đi buôn than tổ ong về bán lẻ cho những hộ dân sống trong khu phố cổ và những khu tập thể mới xây.

Ngày ấy cái nghề này lợi nhuận cao lắm vì chất đốt nhà ai cũng cần, điện và ga còn chưa phổ biến.
Bố có yêu một người con gái gốc Hà Thành, sống trong một gia đình gia giáo. Nhưng cũng bị ăn cản bởi họ không muốn con mình lấy một người không cha không mẹ, không họ hàng như bố.

Năm 1988, bố kết hôn với một người phụ nữ đã góa chồng, ở cùng nhau 3 tháng, cô ấy bỏ bố đi theo một người đàn ông lên Cao Bằng. Tất nhiên là cũng không quên mang theo đi cả số tiền bố tích cóp mấy năm, đạp xe khắp phố phường Hà Nội bán than, dành để sau này mua đất dựng nhà, chứ không thể cứ sống suốt đời ở cái bãi bồi khi đầy khi cạn.

cuộc đời bà tôi
Cuộc đời bà tôi hy sinh vì con cháu

Một buổi chiều cuối năm 1989, hôm đấy là 29 tết, bố trở than xuống Hàng Bông, khi qua dốc Bác Cổ, gặp 1 người phụ nữ mang bầu sắp tới ngày lâm bồn, xách theo 1 cái giỏ, vừa đi vừa lau nước mắt. Đêm bố về, trời chuyển mưa rét, lạnh thấu xương, gặp lại người phụ nữ ấy, mặc cái áo bu dông màu tím đã bạc, ngồi gục bên vệ đường chỗ hồi chiều bố gặp.

Bố hỏi chuyện cô ấy cũng không nói gì, mắt vẫn đỏ hoe đầy u uất. Trời mưa mỗi lúc một nhiều, bố lấy miếng cát tông lót vào cái xe bám đầy than,bảo cô ấy “đêm lạnh rồi, cô bụng chửa đi đâu giờ này, không chê bẩn thì cô lên đây, về nhà tôi, sáng mai đi đâu tôi chở không lấy tiền”.

Người phụ nữ ấy chính là mẹ đẻ của con, lên Hà Nội làm thuê nhưng vì lầm lỡ đã có bầu. Năm lần bảy lượt đến gia đình kia mong họ nhận cháu nhưng bị chối bỏ. Bố thấy đâu đó có hình ảnh của bà, không phải vì thương hại, mà vì đồng cảm, cảm thương cho số phận người phụ nữ bất hạnh, bố quyết định cưu mang cô ấy cho đến ngày sinh con.

Chăm sóc 2 mẹ con như chính vợ con của mình. Hà Nội năm 91 mưa bão nhiều, bố chở than đi giao nhưng bị ướt hết, than nhão ra chảy xuống đường, hòa thành một vệt đen kéo dài khắp phố, về đến nhà đã 8 giờ, không thấy nhà thắp đèn, con ở trong khóc rất to nhưng không thấy mẹ con dỗ, bố tìm quanh nhà cũng không thấy, hỏi mấy người trong xóm họ bảo hồi chiều lũ về trên sông Hồng kéo về rất nhiều gỗ từ thượng nguồn, mọi người đổ xô ra vớt bán lấy tiền và để đun nấu, họ thấy mẹ con cũng ra vớt nhưng sau đó cũng không để ý đến mẹ con nữa.

Đêm hôm ấy bố cùng mọi người châm đuốc, đem đèn măng – xông đi soi dọc bờ nhưng không thấy, tìm kiếm mẹ con trong vô vọng. Chiều hôm ấy, mẹ con tranh thủ lúc con còn ngủ, ra sông vớt gỗ bị nước lũ cuốn trôi , một tuần sau lũ rút thì người ta tìm thấy xác mẹ con mắc kẹt trong một bụi tre ven sông Hồng dưới Văn Giang, bố nhìn mà không cầm nổi nước mắt , mọi người trong làng cùng gỡ mẹ con ra, lau sạch bùn đất rồi bó chiếu lại đem chôn cất ở nghĩa trang trong làng. Sau này cải táng, bố đưa hài cốt mẹ con về Văn Điển chôn cạnh mộ bà như bây giờ.

Con còn nhỏ, vẫn chưa cai sữa, bố đã gần 40, nuôi con quả là khó nhọc, con cứ lớn dần từng ngày nhờ nước gạo gạn từ nồi cơm lúc đang sủi pha với đường, khi là củ khoai củ sắn, bắp ngô hay bát cơm nguội. Rồi chập chững biết đi bập bẹ biết nói cho đến đi học, lên đại học, đỗ vào trường Kinh tế Quốc dân, ra trường có một công việc ưng ý. Nhìn lại quãng thời gian qua bố luôn tự hào về con và hãnh diện với mọi người, mặc kệ lời trêu đùa của mọi người nói rằng bố con ta là 2 ông cháu.

Cuộc đời bà nội không có hạnh phúc, đến đời bố tưởng chừng sẽ không có, cho đến lúc có con, nuôi con, nhìn con khôn lớn trưởng thành. Nhưng rồi chính bố lại là người đã rũ bỏ đi niềm hạnh phúc ấy khi đã đánh đuổi con đi chỉ vì phát hiện ra con là người đồng tính. Con đi làm, yêu 1 cậu cùng công ty nhưng chỉ là lén lút, tình cảm đấy nảy sinh từ khi cả 2 còn học chung đại học, cậu ta thường xuyên đến nhà mình chơi .

Mãi sau này bố mới phát hiện ra. Hôm sinh nhật con, cậu ấy có đến nhà mình ăn cơm rồi ở lại qua đêm. Đêm đó đã 12 giờ rồi, bố ra sân nhìn lên phòng con thấy đèn còn sáng, mọi ngày con hay ngủ sớm từ 10 giờ. Bố nghĩ con và bạn ngủ quên không tắt đèn nên bố đi lên phòng con, cửa chỉ khép hờ không chốt. Nhìn qua khe cửa bố thấy cậu ấy ôm con, có những cử chỉ thân mật, rồi cậu ấy hôn con.

Quá bất ngờ trước những gì hiện ra trước mắt. Bố đã lao vào đánh con và cậu ta, mắng nhiếc thậm tệ, cơn tức giận vì cho rằng cậu kia bệnh hoạn dụ dỗ con làm cho con trở lên như thế mà bỏ ngoài tai những lời giải thích. Bố đã đuổi con đi, thay khóa cổng, khóa cửa để cho khỏi về.

Cuộc đời bà tôi

Vậy là đã 6 năm rồi, con không còn về nữa, người bố này hối hận cũng không kịp, suốt bao năm lại rong ruổi tìm con, lên cả nhà cậu kia để tìm mà không thấy. Thỉnh thoảng có tiếng xe máy đỗ trước cổng trong đêm, bố bất giác chạy ra tưởng con về nhưng không phải, lại lau nước mắt vào nhà.

Ở đời khi mất đi một thứ gì đó con người ta mới nhận ra giá trị của nó thì đã quá muộn rồi, bố đã đánh mất con, mất đi niềm hạnh phúc mà tạo hóa ban cho để rồi mới nhận ra hạnh phúc của bố là có con , nuôi con khôn lớn, được thấy con hạnh phúc. Con sinh ra chịu nhiều thiệt thòi.

Bố thương con nhưng không trọn vẹn, cứ ngỡ mình đã dành hết tất cả những gì tốt đẹp cho con mà quên mất rằng mình thiếu đi sự thấu hiểu. Giá mà ngày đó bố lắng nghe con hơn, hiểu được mong muốn của con, biết rằng đồng tính không phải bệnh thì bố đã không mất con.

Chiều nay bố ra thăm mộ mẹ con và bà, trên mộ mẹ con có 1 bó hoa thạch thảo trắng, một đĩa bánh rán ngào đường, cả 2 ngôi mộ chân hương vừa mới tắt là bố biết con vẫn ở đâu đây, bởi chỉ có con và bố mới biết mẹ con thích hoa thạch thảo trắng và bánh rán ngào đường.

Căn nhà ven hồ Tây bố để lại khóa cũ, con còn chìa cứ về đó đi, dù con yêu ai hay làm gì bố cũng không ngăn cản. Bố ra căn nhà cũ phía bãi bồi ở rồi. Nếu con có đọc được bài viết này, bố tha thiết mong con trở về, trở về để tha thứ cho người bố lầm lỗi, đang sống trong cô đơn tuyệt vọng những ngày tháng cuối đời bên căn bệnh ung thư đã di căn lên não chỉ có một tâm nguyện duy nhất là mong con trở về !